“Phố kiểu mẫu” Lê Trọng Tấn là một kiểu “đồng phục” và điều lo ngại nhất là tư duy "đồng phục" đó đã ăn sâu trong suy nghĩ.
Đồng phục cả... tư duy
Nhìn các biển hiệu trên phố Lê Trọng Tấn của Hà Nội, bị đồng bộ luôn cả màu sắc, bất cứ ai cũng băn khoăn: Liệu nó có bị đồng phục một cách miễn cưỡng?
Hồi xưa, chúng tôi đi học trung học, tiểu học, tất cả đều phải mặc đồng phục. Chỉ có khi lên đến đại học thì không phải mặc đồng phục.
Tuy nhiên, với học sinh, bắt chúng đồng phục cái quần, cái áo nhưng bạn phải cho tự do cái giày, cái mũ, cái cặp.
Một tập đoàn lớn, nơi cho ra đời các thương hiệu xe hơi hàng đầu thế giới, công nhân cũng không phải mặc đồ bảo hộ hay đồng phục. Họ chỉ cầm các dụng cụ cần thiết đến những khu vực sản xuất đặc biệt.
Khi xã hội tiến bộ thì sẽ càng ít kiểu đồng phục cứng nhắc. Cũng như việc áp dụng đồng phục cho những người trưởng thành, sẽ ngày càng ít.
Bình thường mỗi lứa tuổi có thể hợp màu sắc này mà không hợp màu sắc kia. Cũng như mỗi một giới tính cũng có những sự lựa chọn khác nhau về thẩm mỹ.
Các cửa hàng cửa hiệu cũng vậy. Họ cần sự khác biệt để gây chú ý. Nó có ích cho việc phát triển kinh doanh qua việc tạo dựng hình ảnh.
Xã hội càng ngày càng đề cao những sở thích cá nhân cũng như tôn trọng con người cá nhân. Điều đó trong kiến trúc cũng được áp dụng để tạo nên các nét độc đáo riêng cho công trình.
Nó lý giải tại sao toà nhà Bitexco xây không giống những toà nhà khác xung quanh, vì nó muốn nổi bật. Hay toà Time squre làm hệ thống đèn led khác biệt với các toà nhà bên cạnh nó.
Chúng cần được nổi bật, cần được chú ý và đương nhiên, cái nổi bật và gây chú ý ấy, chẳng có gì sai cả.
Phố Lê Trọng Tấn, tôi thấy đồng phục tới mức quy định cả màu cho nó nữa, thì thật không biết nói gì nữa.
Bạn đừng lấy lý do màu đỏ tượng trưng cho điều gì và màu xanh tượng trưng cho điều gì để áp đặt lên mọi thứ.
Điều này thể hiện tư duy minh hoạ một cách thô thiển và sự duy ý chí một cách thiếu hiểu biết.
Điều này có thể dẫn đến lo ngại: Tư tưởng muốn đồng phục mọi thứ, kể cả đồng phục luôn suy nghĩ. Tức là bạn phải càng suy nghĩ giống cơ quan quản lý thì càng tốt.
Hãy đồng bộ về công năng, đừng đồng phục bên ngoài
Một con phố đẹp là một con phố mà kiến trúc không lộn xộn. Nếu bạn nhìn thấy những con phố cổ chạy dọc con kênh của Hà Lan, nhìn qua sẽ thấy giống nhau nhưng thực sự, những ngôi nhà khác nhau hoàn toàn.
Cái cao, cái thấp nhưng nhìn vào bạn sẽ thấy thuận mắt ở sự đồng bộ, vì nó có một số quy tắc chung, giống như những cuốn sách trên một cái kệ.
Những công trình ở đó có cùng công năng, thiết kế với những quy luật rõ ràng. Quy luật đó từ kiến trúc mà ra chứ không phải từ các bảng hiệu.
Nếu bạn đi Hồng Kong, bạn thấy quá nhiều bảng hiệu. Tokyo, New York cũng vậy, bảng hiệu quá nhiều, cái thụt vào cái nhô ra nhưng bảng hiệu của họ cái nào ra cái nấy. Không như bảng hiệu nhà mình, rất lôm côm.
Nước ngoài họ có thể gắn biển lên mặt building nhưng rất hạn chế. Và người làm bảng hiệu của nước ngoài rất chuyên nghiệp còn người làm bảng hiệu của Việt Nam thì nhiều khi sẵn gì làm nấy, làm gì cũng được.
Việc sử dụng bảng hiệu ở Việt Nam cũng cả một vấn đề. Việc gắn bảng lộn xộn, mạnh ai nấy gắn là có.
Tư duy quảng cáo quá lố quyết định sự xuất hiện của các bảng hiệu đó. Mạnh ai nấy dán, mạnh ai nấy treo. Nhà sang cũng treo, phố dưới phố trên đều treo.
Thế nên chúng ta lại lật ngược vấn đề lại, lộn xộn qúa không ổn nhưng cào bằng, đồng phục còn kinh khủng hơn. Ví dụ như phố Lê Trọng Tấn, giờ một quán phở gắn bảng hiệu nền xanh chữ đỏ, ai vào đó mà ăn? Nhìn là phát sợ ra rồi.
Trở lại với phố Lê Trọng Tấn, những cửa hiệu phải được tự chủ động được thiết kế theo cách của họ.
Mối nguy "thống trị về thẩm mỹ"
Một con phố kiểu mẫu có nghĩa là trong tương lai, các con phố khác có thể sẽ đi theo những bản mẫu đấy.
Và nếu cả Hà Nội, phố nào cũng giống phố Lê Trọng Tấn thì thật kinh khủng.
Hiện nay, những quy định trong xây dựng cũng đang là một cách để "đồng phục" bằng những tiêu chí hơi lạ lùng.
Chẳng hiểu tại sao lại chỉ được 3 tầng lầu trong một số trường hợp; cũng chẳng hiểu vì sao mà sân thượng lại thế này, lan can lại thế kia…
Chung quy là vì họ muốn đồng phục theo cách của họ, nên giới kiến trúc sư của chúng tôi đã gặp không ít khổ sở khi sáng tạo ra những công trình của chính mình.
Tôi biết, có không ít những cư dân Phú Mỹ Hưng đã phải chi tiền chỉ để làm khác đi cái đã được "đồng phục" trong văn bản.
Thế nên, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tôi khẳng định, rất nhiều ngôi nhà ở Việt Nam đều được xây đều không đúng với những quy định như thế.
Một phần là những chủ nhân của các công trình ấy không thể làm theo những ý muốn kiểu "đồng phục" đã được quy định.
Đồng phục không phải là đồng loạt. Người ta có thể may một mẫu thiết kế thành cả ngàn cái áo và ai thích thì mua, đó là đồng loạt. Nhưng, bắt cả 1000 người trong một tập thể phải mua cái áo đó và mặc thì nó lại là đồng phục cưỡng bức.
Bạn phải cho người ta cái quyền quyết định theo cái mà họ muốn chứ đừng áp đặt: Phải mặc theo tôi, thế này mới là đẹp! Bạn chỉ có quyền góp ý thôi, còn theo hay không là lựa chọn của người ta.
Phố Lê Trọng Tấn không phải là phố xây dựng hàng loạt. Và việc bắt các bảng hiệu phải giống nhau thì không ổn.
Có thể bảng hiệu đó bạn chỉ cho phép nó nằm một đoạn dài hoặc chỉ kiểm soát độ lồi lõm và độ lộn xộn, còn màu sắc gì, chất liệu gì thì tôn trọng sự lựa chọn của người ta.
Nếu bắt phải đồng phục sẽ tạo ra mối nguy: Sự thống trị về mặt thẩm mỹ.
Vụ đồng phục phố, tôi nghĩ cũng có một bàn tay của một kiến trúc sư nào đó và chắc chắn phải có bản vẽ này nọ rồi mới thực hiện.
Tại sao họ lại không có ý kiến góp ý nhỉ? Tại sao họ im lặng?
theo Trí Thức Trẻ